19/10/2023
Sức khoẻ và An sinh
Y tế cơ sở - lá chắn bảo vệ cộng đồng trước bệnh Lao
Y tế cơ sở - lá chắn bảo vệ cộng đồng trước bệnh Lao
Mặc dù hệ thống phòng chống bệnh lao bao phủ trên toàn quốc, nhưng vẫn còn khoảng 40% bệnh nhân chưa được phát hiện, điều trị và báo cáo. Để đạt mục tiêu chấm dứt bệnh lao vào năm 2035, hệ thống y tế cơ sở được kỳ vọng sẽ tạo ra những đột phá trong việc phát hiện và điều trị, quản lý bệnh lao trong cộng đồng.

Niềm vui của bà con Krông Pa

Do có các triệu chứng ho, tức ngực và sụt cân, chị RCom H’Mit và anh Siu Tem, người dân trong xã Phú Cần, huyện Krông Pa, tỉnh Gia Lai được mời đến nhà văn hóa Buôn Tang khám sàng lọc vì nghi ngờ mắc bệnh lao. Có mặt từ rất sớm để khám sàng lọc lao, chị RCom H’Mit giãi bày, dù có triệu chứng ho về ban đêm, khó thở, kém ăn nhưng vì không có thẻ bảo hiểm y tế nên cũng không đi khám bệnh. Hơn nữa, chị không biết về bệnh lao nên cũng chỉ nghĩ bị ho do thời tiết. May mắn có chương trình Trạm y tế xã phối hợp với Dự án phòng chống lao về tuyên truyền cũng như khám sàng lọc lao cho bà con. Lần đầu tiên được khám sàng lọc lao nên chị cùng chồng có mặt từ sớm để được bác sỹ thăm khám.

Cũng giống như chị RCom H’Mit, chị Ksor H’ Chuyên cũng đã có thời gian bị ho kéo dài, sốt về chiều và sút cân. Chỉ nghĩ mình bị ho và mệt mỏi, chị Ksor H’Chuyên  tự ra hiệu thuốc mua thuốc về điều trị, bệnh không thuyên giảm mà còn nặng hơn. “May mắn đầu năm 2023, tôi được Trạm y tế xã Phú Cần mời đi khám sàng lọc tại Nhà văn hóa Buôn Tang, thực hiện lấy mẫu đờm nên mới biết mình mắc bệnh lao. Sau 6 tháng điều trị tích cực, nay ra khám lại thì sức khỏe đã dần hồi phục, tôi có thể đi làm lại bình thường”, chị Ksor H’Chuyên phấn khởi chia sẻ.

Ảnh: Khám sàng lọc lao cho người dân xã Phú Cần, huyện Krông Pa, tỉnh Gia Lai.

Đây là 3 trong số hàng chục người ở xã Phú Cần, huyện K.rông Pa được phát hiện nghi mắc lao tiềm ẩn và bệnh lao phổi từ Chương trình khám sàng lọc lao cộng đồng miễn phí của Trung tâm Hỗ trợ sáng kiến phát triển cộng đồng (SCDI) phối hợp cùng y tế tỉnh Gia Lai triển khai từ năm 2022 đến nay.

Xã Phú Cần, huyện Krông Pa (Gia Lai) có hơn 5.600 nhân khẩu với 70% là đồng bào dân tộc. Trao đổi với phóng viên, chị Ksor H’Đông, Trạm trưởng Trạm Y tế xã Phú Cần cho biết: Trong cuộc sàng lọc vào tháng 9/2023, Trung tâm Hỗ trợ sáng kiến phát triển cộng đồng và Y tế huyện Krông Pa thực hiện sàng lọc lao với 277 người được chụp X-quang. Trong đó phát hiện 13 người có bất thường nghi lao được chỉ định lấy mẫu đờm làm xét nghiệm Gene-Xpert và 27 người được tiêm thuốc Mantoux xét nghiệm lao tiềm ẩn.

Cũng theo chị Ksor H’Đông, Phú Cần là xã khó khăn của tỉnh Gia Lai, bà con chủ yếu sống bằng nghề làm nương rẫy, kinh tế eo hẹp, hiểu biết về bệnh lao còn ít nên khi phát hiện ra thì bệnh đã nặng sức khỏe đã rất yếu. Không ít trường hợp phải trì hoãn khám, điều trị bệnh do điều kiện kinh tế khó khăn. Chính vì vậy, việc khám và sàng lọc lao chủ động tại cơ sở có ý nghĩa rất lớn với bà con nghèo nơi đây cũng như công tác phòng chống lao cộng đồng nói chung.

Huy động sự tham gia của cộng đồng

Đánh giá vai trò của khám sàng lọc chủ động lao tại cộng đồng, TS.BS Đinh Văn Lượng, Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương cho biết, để đạt được mục tiêu chấm dứt bệnh lao vào năm 2035, hệ thống phòng, chống lao cần lồng ghép với hệ thống y tế chung, các dịch vụ khám, chữa bệnh lao cần được bao phủ rộng khắp tại tất cả các tuyến của hệ thống y tế, nhằm đảm bảo người dân tiếp cận dễ dàng, thuận tiện nhất với các dịch vụ khám, chẩn đoán, điều trị bệnh.

Theo TS.BS. Đinh Văn Lượng, sau 2 năm ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, công tác phòng, chống lao tại Việt Nam chịu ảnh hưởng nghiêm trọng. Số bệnh nhân lao phát hiện năm 2021 giảm 22% so với năm 2020 và giảm 24,5% so với năm 2019, đưa Việt Nam trở thành là một trong những quốc gia có mức độ giảm phát hiện bệnh lao cao nhất toàn cầu do ảnh hưởng của đại dịch. Số lượng và tỉ lệ tử vong do lao ở Việt Nam được ước tính là 12.000 người, tăng 35,8% với năm 2020.

"Chúng ta đang phải đối mặt nguy cơ bệnh lao bùng phát trong cộng đồng. Đây là một trong những nguyên nhân Chương trình chống lao quốc gia phải đánh giá lại các mục tiêu của chương trình, thực hiện cập nhật kế hoạch chiến lược phòng chống lao quốc gia và đề xuất điều chỉnh lộ trình chấm dứt bệnh lao vào năm 2035", Giám đốc bệnh viện Phổi Trung ương chia sẻ.

Ảnh: Cán bộ tư vấn, tuyên truyền cho người dân xã Phú Cần về bệnh lao.

Hằng năm, cả nước phát hiện và đưa vào điều trị hơn 100.000 người mắc lao. Tuy nhiên, tỉ lệ bệnh nhân được phát hiện và báo cáo mới chỉ đạt 60%, nghĩa là có tới 40% số bệnh nhân lao chưa được phát hiện, hoặc được phát hiện nhưng chưa được báo cáo. Tỉ lệ khỏi bệnh được duy trì ở mức trên 90% với bệnh nhân lao mới, gần 70% với bệnh nhân lao đa kháng thuốc sử dụng phác đồ dài hạn và 80% với bệnh nhân lao đa kháng thuốc sử dụng phác đồ ngắn hạn.

Dịch tễ lao ở Việt Nam còn cao, xếp thứ 11 trong 30 nước có gánh nặng bệnh nhân lao cao và thứ 11 trong 30 quốc gia có gánh nặng lao đa kháng thuốc cao nhất thế giới. Mặc dù hệ thống phòng, chống lao bao phủ rộng khắp trên toàn quốc, tại tất cả các tuyến của hệ thống y tế nhưng vẫn còn khoảng 40% số bệnh nhân chưa được phát hiện, điều trị và báo cáo.

Để thực hiện thành công mục tiêu chấm dứt bệnh lao vào năm 2035, năm nay, Chương trình chống lao Quốc gia Việt Nam nhấn mạnh vào tầm quan trọng của hệ thống y tế cơ sở, lực lượng gần dân nhất, trực tiếp nhất, hứa hẹn sẽ tạo ra những đột phá mới trong việc phát hiện và điều trị, quản lý bệnh lao trong cộng đồng./.

Bích Hà

Theo Báo điện tử - Đảng Cộng sản Việt Nam