14/10/2021
Hỗ trợ Cộng đồng
Cởi & Mở số 7: Pháp luật về người liên giới tính
Cởi & Mở số 7: Pháp luật về người liên giới tính

Trên thế giới

Hiện có rất ít quốc gia đưa ra những thừa nhận hợp pháp đối với những người liên giới tính. Sự thừa nhận về mặt pháp lý với người liên giới tính theo Diễn đàn Châu Á – Thái Bình Dương đầu tiên là việc tiếp cận các quyền bình đẳng như nam và nữ khi họ được xác định là nam giới hoặc nữ giới; thứ hai là về khả năng điều chỉnh về hành chính với các giấy tờ pháp lý/giấy tờ tùy thân khi việc xác định giới tính ban đầu không phù hợp và thứ ba là thừa nhận giới tính này như là giới tính khác hoặc giới tính thứ ba cũng như thừa nhận họ như là một nhóm dân cư.

Việc thay đổi giới tính khi sinh trên giấy tờ thực sự là vấn đề lớn đối với những người liên giới tính không thể xác định được giới tính khi sinh. Một số quốc gia có mô hình tự xác định bản dạng giới như Argentina, Bỉ, Malta, Đan Mạch, Hy Lạp, Pháp, Bồ Đào Nha, Na Uy, Chile, Uruguay, Luxembourg, Colombia, Ecuador, Iceland và Ireland cho phép thay đổi giới tính khi sinh thông qua thủ tục hành chính đơn giản. Một số quốc gia, chẳng hạn như Việt Nam, Thái Lan, Nhật Bản, một số khu vực pháp lý ở cả Úc và Hoa Kỳ và nhiều quốc gia châu Âu chỉ cho phép thay đổi giới tính khi sinh sau khi phẫu thuật chuyển đổi giới tính/xác định lại giấy tờ. Một số quốc gia khác hoàn toàn không cho phép người liên giới tính thay đổi giới tính khi sinh hoặc như trường hợp của nước Anh, họ chỉ cho phép người liên giới tính được tuyên bố là người chuyển giới và được chẩn đoán là người mắc chứng phiền muộn giới.

Phân loại giới tính hoặc giới tính thứ ba

Hộ chiếu và giấy tờ tùy thân của một số nước như Úc, New Zealand từ năm 2003 và gần đây nhất là Argentina (tháng 7/2021) đã chấp nhận “X” như là một giới tính hợp lệ bên cạnh “M” (Nam) và “F” (Nữ). Năm 2013, Đức là quốc gia đầu tiên ở Châu Âu cho phép những trẻ sơ sinh  có đặc điểm của cả hai giới là không xác định trên giấy khai sinh.

Theo tờ The Guardian của Anh, tháng 4/2015, Malta đã trở thành quốc gia đầu tiên ban hành điều luật đầu yêu cầu ngừng những cuộc phẫu thuật với trẻ Intersex, sau đó vào năm 2016, Chính phủ Chile cũng đã ban hành điều luật tương tự.

Ở châu Á, Ấn Độ là một trong những nước tiên phong trong phong trào bảo vệ quyền của người Liên giới tính. Điển hình là vào ngày 22/4/2019, Toà Án Ấn Độ đã ban hành lệnh cấm các hình thức phẫu thuật chọn lựa giới tính cho trẻ sơ sinh có các đặc điểm liên giới tính. Ngoài ra, từ năm 2014 Ấn Độ đã cho phép thêm lựa chọn “khác” về giới tính trong hộ chiếu của các công dân Ấn Độ.

Nói tới phong trào của người liên giới tính, người ta thường nhắc tới Tuyên bố Malta, đó là tuyên bố được đưa ra từ Diễn đàn Liên giới tính lần thứ 3 tại Malta vào tháng 12 năm 2014. Tuyên bố này kêu gọi việc trẻ sơ sinh và trẻ em được phân định là nam hay nữ phải dựa trên sự hiểu biết rằng bản dạng giới sau này của trẻ có thể khác để từ đó:

  • Xác định giới tính của trẻ liên giới tính là nam hay nữ với nhận thức rằng giống như tất cả mọi người, khi lớn lên chúng có thể xác định mình có giới tính hoặc bản dạng giới khác
  • Đảm bảo rằng việc phân loại giới tính hoặc bản dạng giới có thể sửa đổi thông qua một thủ tục hành chính đơn giản theo yêu cầu của cá nhân có liên quan. Những người lớn có năng lực hành vi có thể được lựa chọn giữa “M” (Nam), “F” (Nữ), Non-binary (Phi nhị nguyên) hoặc nhiều lựa chọn khác. Cũng giống như chủng tộc và tôn giáo, giới tính khi sinh  không nên là một danh mục bắt buộc trên giấy khai sinh.

Ở Việt Nam

  • Hiện nay ở Việt Nam vẫn chưa có luật nào bảo vệ quyền cụ thể của người Liên giới tính đối với cơ thể họ hay điều luật nào bảo vệ họ khỏi kỳ thị và phân biệt đối xử. Như đối với dự thảo Luật chuyển đổi giới tính hiện nay, người Liên giới tính sẽ có thể phải trải qua phẫu thuật định hình lại giới tính phù hợp với giới tính mong muốn mới có thể thay đổi được thông tin giới tính trong giấy tờ tuỳ thân. Trong Khoản 1, Điều 36, bộ Luật Dân sự 2015 chưa gọi tên người Liên giới tính mà chỉ mới nhắc tới những trường hợp khuyết tật hoặc chưa định hình được giới tính: “Cá nhân có quyền xác định lại giới tính. Việc xác định lại giới tính của một người được thực hiện trong trường hợp giới tính của người đó bị khuyết tật bẩm sinh hoặc chưa định hình chính xác mà cần có sự can thiệp của y học nhằm xác định rõ về giới tính.” Điều tiến bộ ở điều luật này từ 2005 là đã thừa nhận sự tồn tại của những người có những đặc điểm liên giới tính và cho họ quyền để có thể xác định lại giới tính.
  • Phóng sự về người Liên giới tính tại Việt Nam do VTV4 thực hiện:
     
Cởi & Mở là bản tin hàng tháng do SCDI cùng các đối tác thực hiện với nội dung cung cấp kiến thức, chia sẻ các câu chuyện của cộng đồng LGBTIQ+ tại Việt Nam cho đối tượng là nhà báo và cộng đồng. Bản tin Cởi & Mở mong muốn tháo gỡ những nút thắt hay chính những hiểu lầm của xã hội đối với cộng đồng LGBTIQ+, từ đó mỗi chúng ta sẽ có cơ hội mở lòng hơn để đón nhận và yêu mến vẻ đẹp của sự đa dạng về giới tính, bản dạng giới và khuynh hướng tính dục trong xã hội. Để nhận bản tin Cởi & Mở, vui lòng đăng ký tại đây.

Biên tập: Chương trình Hỗ trợ Mạng lưới Cộng đồng - SCDI