14/10/2021
Hỗ trợ Cộng đồng
Cởi & Mở số 7: Intersex – người liên giới tính, họ là ai?
Cởi & Mở số 7: Intersex – người liên giới tính, họ là ai?

Bạn nghĩ tới điều gì đầu tiên khi nghe cụm từ “Liên giới tính”? Chắc hẳn với một số người, cụm từ này có phần quá xa lạ vì khi bàn về vấn đề “giới tính sinh học”, đa số chúng ta chỉ bàn về hai giới tính phổ biến là “Nam giới” (Male) và “Nữ giới” (Female) mà thường bỏ quên “giới tính” đặc biệt này.

Vậy Liên giới tính là gì? Liên giới tính (Intersex) là một cụm từ chỉ một cá thể có mang trong mình những đặc điểm về nhiễm sắc thể, hormone giới tính hay bộ phận sinh dục mà theo định nghĩa của Liên Hợp Quốc cho là “không thuộc những tính trạng tiêu biểu của nam giới hay nữ giới”. Nói ngắn gọn và dễ hiểu họ là những người có cấu tạo cơ quan quan sinh dục ngoại và/hoặc nội bất thường.

Một con số đáng tin cậy đến từ nhà nghiên cứu Sharon Preves, “tần số xuất hiện (của trạng thái liên giới tính) có thể xấp xỉ bốn 4%

Theo thống kê của Cộng đồng Liên giới tính Bắc Mỹ (ISNA), tỉ lệ người liên giới tính bình quân khoảng 1/2.000 ca sinh. Có ít nhất 40 dạng intersex liên quan đến gen, nhiễm sắc thể, đặc điểm giải phẫu và hoóc-môn.

Một hiểu lầm phổ biến đó là tất cả người liên giới tính đều có cả bộ phận sinh dục của nam và nữ và đều được biểu hiện từ lúc mới sinh. Tuy đây là một  điển hình của Liên giới tính, bên cạnh đó, những dấu hiệu của Liên giới tính được biểu hiện ở những cơ quan bên trong cơ thể của cá nhân đó. Ở nhiều trường hợp, liên giới tính chỉ được phát hiện khi cá thể đó đạt độ tuổi dậy thì, tuổi trung niên hay thậm chí là khi mổ tử thi mới được phát hiện. Có nhiều khả năng rằng chính những người Liên giới tính cũng không biết mình là một trong số đó.

Có nhiều người liên giới tính không coi “liên giới tính” là một loại bản dạng giới, mà coi đó là một tình trạng bệnh, hoặc là một trạng thái đặc thù của cơ thể. Nói chung, những người liên giới tính dù có trải qua phẫu thuật xác định lại giới tính hay chưa, ở lứa tuổi và mức độ nào, thì khi đến tuổi trưởng thành họ đều có thể xác định bản dạng giới và xu hướng tính dục của bản thân theo bất cứ loại nào. Họ có thể nhận mình là nam, nữ, liên giới tính, chuyển giới hay một bản dạng nào khác. Xu hướng tính dục của họ có thể là dị tính, đồng tính...

Một vài trạng thái liên giới tính thường gặp:

  • Bộ phận sinh dục bên ngoài không rõ ràng của nam hay của nữ.
  • Hệ sinh sản bên trong không phát triển hoàn thiện.
  • Bộ phận sinh dục bên ngoài và cơ quan sinh sản bên trong không đồng nhất (có dương vật ngoài nhưng bên trong lại có buồng trứng và ngược lại).
  • Cặp nhiễm sắc thể giới tính không bình thường.
  • Tinh hoàn, buồng trứng không phát triển hoặc nếu phát triển thì không bình thường.
  • Cơ thể không có khả năng phản ứng với các nội tiết tố giới tính.

Hiện tại phân loại như sau:

  • Nữ lưỡng tính giả: Là nữ, có nhiễm sắc thể (NST) XX, có buồng trứng; âm vật mở rộng, có thể trông giống như dương vật; môi âm hộ kín hoặc có cấu tạo gồm nhiều nếp gấp (giống như bìu ở nam giới); xuất hiện các khối u trông giống như tinh hoàn ở khu vực môi. Do tuyến thượng thận sản xuất quá nhiều hormonehormonenam androgen nên bộ phận sinh dục ngoài bị nam hóa. Trường hợp nam hóa nặng có thể tạo nên đoạn niệu đạo - âm vật giống như người nam có tinh hoàn ẩn.
    *Nguyên nhân thường gặp nhất là hội chứng thượng thận sinh dục. Một số trường hợp do mẹ có dùng thuốc chứa androgen khi mang thai, mẹ bị u nam hóa buồng trứng.
  • Nam lưỡng tính giả: Bộ NST bao gồm 46 XY đặc trưng của nam giới, nhưng bộ phận sinh dục bên ngoài có cấu tạo không đầy đủ, hoặc không rõ ràng, hoặc rõ ràng đặc trưng của nữ; ống dẫn nước tiểu và tinh dịch (niệu đạo) không hoàn toàn kéo dài đến đầu dương vật (tình trạng này gọi là “lỗ tiểu đóng thấp”); dương vật nhỏ bất thường kèm theo lỗ niệu đạo xuất hiện gần phần bìu; mất một hoặc cả hai tinh hoàn, hình dạng bìu không rõ ràng; tình trạng ẩn tinh hoàn, phần bìu rỗng, với sự xuất hiện của môi âm hộ, có hoặc không có dương vật nhỏ. Nguyên nhân là hormonenam testosteron và MIS - một chất cần cho sự phát triển giới tính nam - không được tiết ra đủ.
    * Nguyên nhân: Thiếu hụt tổng hợp testosteron; thiếu men 5alpha-reductase; cơ quan cảm thụ không đáp ứng với các nội tiết tố nam.
  • Nữ hóa có tinh hoàn: Người có tinh hoàn và có bộ NST XY, là đàn ông nhưng cơ quan sinh dục ngoài không nhạy cảm với testosteron nên không biệt hóa thành dương vật. Họ có âm đạo (thường bị tịt một đầu, không có tử cung, vòi tử cung có nhưng kém phát triển). Đến khi dậy thì, ngực lớn lên nhưng không hành kinh, lông mu ít hay không có. Các tinh hoàn thường ở trong bụng hay ống bẹn, cũng có khi ở môi lớn.
    *Về phương diện phôi thai học, những người này giống lưỡng tính giả ở nam, song họ không có cảm giác lưỡng tính mà coi mình hoàn toàn là phụ nữ do bộ phận sinh dục ngoài như người nữ bình thường, được nuôi dạy như nữ. Thông thường họ được xử lý mổ lấy tinh hoàn ngay sau khi phát hiện bệnh để tránh xáo trộn tâm lý.
  • Lưỡng tính thật: Có cả tinh hoàn và buồng trứng (tách riêng hay nhập chung thành tuyến tinh hoàn - buồng trứng) nhưng chúng thường không có chức năng và hoạt động; có thể có nhiễm sắc thể XX, nhiễm sắc thể XY, hoặc cả hai; bộ phận sinh dục bên ngoài có thể không rõ ràng hoặc có thể xuất hiện là nữ hay nam.
  • Loạn sinh tuyến sinh dục kết hợp: Những trường hợp này cũng rất hiếm. Họ có tinh hoàn một bên, bên kia không rõ ràng. Cấu trúc đường sinh dục thường là nữ, song đôi khi cũng có vài cấu trúc dạng nam. Các bộ phận sinh dục ngoài có thể là nữ, nam hay pha trộn cả hai. Khi dậy thì, họ không phát triển tuyến vú, không hành kinh.
Cởi & Mở là bản tin hàng tháng do SCDI cùng các đối tác thực hiện với nội dung cung cấp kiến thức, chia sẻ các câu chuyện của cộng đồng LGBTIQ+ tại Việt Nam cho đối tượng là nhà báo và cộng đồng. Bản tin Cởi & Mở mong muốn tháo gỡ những nút thắt hay chính những hiểu lầm của xã hội đối với cộng đồng LGBTIQ+, từ đó mỗi chúng ta sẽ có cơ hội mở lòng hơn để đón nhận và yêu mến vẻ đẹp của sự đa dạng về giới tính, bản dạng giới và khuynh hướng tính dục trong xã hội. Để nhận bản tin Cởi & Mở, vui lòng đăng ký tại đây.

Biên tập: Chương trình Hỗ trợ Mạng lưới Cộng đồng - SCDI