28/12/2021
Hỗ trợ Cộng đồng
Cởi & Mở 9: Thể hiện giới
Cởi & Mở 9: Thể hiện giới

“Nam tính? Nữ tính? Tùy vào từng trường hợp. Trung tính là “giới tính” duy nhất luôn luôn phù hợp để nói về tôi.”[1]

 

[1] Nguyên văn: "Masculine? Feminine? It depends on the situation. Neuter is the only gender that always suits me."

I. Thể hiện giới

Ngày 25/10/2021, Google kỷ niệm ngày sinh của Claude Cahun, một nhiếp ảnh gia siêu thực người Pháp nửa đầu thế kỷ XX. Câu nói nổi tiếng của Cahun không chỉ hàm ý về sự tồn tại của phổ giới tính nằm ngoài “nam giới”, “nữ giới” thường thấy, mà còn bộc lộ góc nhìn về định nghĩa “Thể hiện giới”.

Thể hiện giới - Một yếu tố “đặc biệt” trong các thuật ngữ về giới

Ủy ban Nhân quyền Ontario, Canada (The Ontario Human Rights Commission, OHRC) đưa ra định nghĩa:

“Thể hiện giới được hiểu là cách một người công khai thể hiện hoặc bày tỏ về giới tính của họ. Điều này có thể bao gồm hành vi và hình thức bên ngoài như trang phục, đầu tóc, trang điểm, ngôn ngữ cơ thể và giọng nói. Tên và đại từ danh xưng mà một người chọn cũng là những cách phổ biến để thể hiện giới. Những người khác thường nhận biết giới tính của một người thông qua các thuộc tính này.”[2]

Theo định nghĩa trên, có thể thấy nội hàm quyết định “Thể hiện giới” có sự phụ thuộc vào cách thể hiện, và cách nhìn nhận từ hai chủ thể: người thể hiện và người tiếp nhận. Khi một mối quan hệ đôi bên tồn tại, sự không khớp nối có thể nảy sinh. Một người thể hiện giới như “nam tính”, nhưng người đối diện có thể tri nhận người đó mang đậm “nữ tính”.

GLADD định nghĩa “Thể hiện giới” như sau:

“Biểu hiện giới là cách một người thể hiện giới tính ra bên ngoài, thông qua hành vi, quần áo, giọng nói hoặc các đặc điểm nhận thức khác. Xã hội sẽ nhận định những đặc điểm đó là nam tính hoặc nữ tính, mặc dù những gì được coi là nam tính hoặc nữ tính thay đổi theo thời gian và thay đổi theo nền văn hóa.”[3]

Như vậy, những đặc điểm sau có thể tóm tắt khái niệm về “Thể hiện giới”:

- Là cách một người thể hiện ra bên ngoài, những đặc tính được quy định bởi văn hóa về nam tính, nữ tính qua ngoại hình cơ thể, cử chỉ, điệu bộ, giao tiếp và khuôn mẫu hành vi trong tương tác với người khác

- Sự tiếp nhận và phân loại thể hiện giới mang tính thời đại và văn hóa, xã hội. “Thể hiện giới” là một yếu tố đặc biệt trong bảng thuật ngữ về giới vì khác với bản dạng giới – việc cảm nhận mình là ai. “Thể hiện giới” không phải là yếu tố cố định và bất biến, nó có thể được nhìn nhận khác nhau theo sự thay đổi của không gian, thời gian.

Hiện có nhiều quan điểm chưa đúng về thể hiện giới trong đó quan điểm thường gặp là “Nhìn thể hiện giới có thể nhận định về bản dạng giới hoặc xu hướng tính dục”

Quan điểm này không đúng trong một xã hội đa dạng về tính dục. Bản dạng giới và xu hướng tính dục của mỗi người là do cá nhân đó tự xác định. Nó có thể trùng khớp với thể hiện giới hoặc không. Do vậy quan sát thể hiện giới không thể đầy đủ để nhận định về bản dạng giới hoặc xu hướng tính dục của bất cứ ai.

Có một số người có một cách thể hiện giới duy nhất cho mọi trường hợp nhưng một số khác lại thay đổi tùy thuộc vào hoàn cảnh, thời gian, quan điểm cá nhân, sở thích cá nhân hoặc các yếu tố về văn hóa, tôn giáo, chính trị… Bạn có thể hiểu hơn qua các ví dụ dưới đây:

  • Ví dụ một người có cách thể hiện giới trung tính chiếm đa số nhưng trong một số bối cảnh, họ lại thích mặc quần áo thể hiện sự nữ tính.
  • Một ví dụ khác là một người sinh ra là nam và tự nhận bản dạng mình là nữ nhưng họ không cảm thấy môi trường/hoàn cảnh xung quanh an toàn để bộc lộ sự nữ tính. Do vậy có thể họ vẫn phải thể hiện mình là nam giới nhưng lại rất đau khổ/không thoải mái với sự thể hiện này.
  • Một người có thể có cách thể hiện giới khác với giới tính của mình vì mục đích biểu diễn (tìm hiểu thêm về drag queen hay drag king ở dưới)
  • Hoặc một ví dụ khác là một người có giới tính sinh học là nữ, bản dạng giới là nữ nhưng lại thích hoặc cảm thấy thoải mái với cách ăn mặc giống nam giới (phong cách ăn mặc tomboy)

Phân loại thể hiện giới:

Thông thường, thể hiện giới được phân thành hai dạng: Nam tính và Nữ tính.

Tuy nhiên, cần lưu ý rằng cách phân loại trên không mang tính tuyệt đối. Ngoài nam tính và nữ tính, thể hiện giới cũng có thể có: thể hiện giới trung lập (Gender-neutral), thể hiện hợp giới (Gender-conforming), thể hiện không hợp giới (Gender-nonconforming), thể hiện gồm cả hai giới (Androgynous)… Do đặc điểm biến hóa giữa các nền văn hóa trong định nghĩa “Thể hiện giới” như đã nêu trên, quan điểm về “nam tính” và “nữ tính” trong văn hóa này có thể khác quan điểm trong văn hóa kia.

Ví dụ, ở Anh Quốc và Pháp, nam sinh từng bị cấm mặc váy trong khi váy là một trong những trang phục truyền thống của nam giới ở Scotland[1]. Mặt khác, nhiều nền văn hóa cũng ghi nhận sự tồn tại của cả “nữ tính” và “nam tính” trong cùng một chủ thể, được thể hiện qua Thái cực đồ của người phương Đông. Mở rộng hơn, “nam tính” hay “nữ tính” cũng có thể không bó hẹp trong phạm vi nói về một người, mà theo một số nhà nghiên cứu văn hóa, nó cũng đề cập về tính chất, cách nhìn nhận đối với một tập thể, một nền văn hóa hay xã hội.

Cách nhìn nhận cực đoan và đơn chiều về thể hiện giới trong một xã hội có thể dẫn đến “Khuôn mẫu giới”

Khuôn mẫu giới - Định kiến giới và Vai trò giới

Khuôn mẫu giới (Gender stereotype): được hiểu là sự khái quát hóa giản đơn về đặc điểm, tính cách, vai trò, của các cá nhân hoặc nhóm người dựa trên giới tính của họ.

Khuôn mẫu giới thường củng cố quy định xã hội về vai trò giới [2]. Khuôn mẫu ​​giới tạo ra những định kiến ​​được chấp nhận rộng rãi về các đặc điểm hoặc tính cách nhất định và duy trì quan niệm rằng mỗi giới và các hành vi liên quan là theo hệ nghị nguyên (binary)[3]. Tuy nhiên, vẫn có người có trải nghiệm và cảm thấy mình không thuộc vào hệ nhị nguyên (nam – nữ) mà thuộc hệ phi nhị nguyên (non – binary)[NTTP1] . Thuật ngữ dành cho những cộng đồng này lần lượt là Non-binary hoặc Genderqueer (Phi nhị nguyên giới), Bigender (Song giới), Genderfluid (Linh hoạt giới), Agender (Vô giới)...

Vai trò giới (Gender roles): là tập hợp các hành vi ứng xử, nhận thức, hành động mà xã hội cảm thấy là phù hợp (hoặc không phù hợp) cho nam và nữ (trẻ em trai hoặc trẻ em gái) dựa trên vai trò giới sinh học (biological roles) trong một xã hội hoặc một nền văn hoá cụ thể, được nhiều người coi là phù hợp (hoặc không phù hợp) với một cá nhân thuộc một giới tính cụ thể[4]

Ví dụ, trong tiểu thuyết Hồng Lâu Mộng, nhân vật Giả Bảo Ngọc có giới tính sinh học là nam, hồi nhỏ được cha cho ngồi chọn trước các loại đồ chơi để xem chí hướng. Bảo Ngọc thay vì chọn gươm kiếm, bút sách, đã chọn phấn sáp, trâm vòng. Người cha đã thất vọng vì theo quan điểm của ông, nam nhi có “vai trò giới” là phải làm nên những điều to lớn, phải làm tướng văn hoặc tướng võ.

Vai trò giới thường được phân loại thành vai trò liên quan đến: sản xuất - productive (tạo ra thu nhập và của cải), sinh sản - reproductive (chăm sóc và duy trì cuộc sống) và quản lý - managerial (ra quyết định, thành lập và duy trì cấu trúc và hệ thống trong cộng đồng).

Định kiến giới (Gender bias): được biểu hiện như những đánh giá thiên lệch, niềm tin mang tính khuôn mẫu dựa trên giới, ví dụ về “nam tính” trong người nam và “nữ tính” trong người nữ. Ví dụ, văn hóa đại chúng thường gán và giới hạn nam giới trong những hình ảnh “nam tính”, “đầu đội trời chân đạp đất”. Định kiến có thể mang đến những tác động tiêu cực ở chỗ, khi một cá nhân với giới tính sinh học nằm ngoài thể hiện giới đại chúng, nhiều khả năng họ sẽ bị kỳ thị và phân biệt đối xử.


 [NTTP1]Chèn link bản tin Cởi Mở số 5: Phi nhị nguyên giới

III. Các hình thức thể hiện giới đặc biệt

Drag và thể hiện giới đặc biệt

Khi nhắc đến Drag, thường hay nghe đến Drag Queen và Drag King. Drag Queen thường đề cập đến những người (thường là người nam) cải trang thành nữ còn Drag King cũng được dùng để chỉ những người (thường là người nữ) cải trang thành nam, cả hai đều nhằm mục đích biểu diễn. Drag gắn liền với những thể hiện giới đặc biệt, đi ngược với các khuôn mẫu giới thông thường. Thể hiện giới là cách mà một người truyền tải những đặc tính được quy định bởi văn hóa về nam tính, nữ tính ra bên ngoài qua ngoại hình cơ thể, cử chỉ, điệu bộ, giao tiếp và khuôn mẫu hành vi trong tương tác với người khác, và thường hay bị lầm tưởng là có liên quan đến giới tính khi sinh. Trong khi người nam thường được mong đợi sẽ thể hiện giới nam tính như mạnh mẽ, quyết đoán; phong cách ăn mặc thường là gam màu trầm, gương mặt ít trang điểm …. còn người nữ sẽ được mong đợi thể hiện giới mềm mỏng, trang điểm nhẹ nhàng… thì trong văn hoá Drag, những thể hiện giới này thường xuyên bị phá vỡ. Nghệ sĩ Drag thường xuất hiện với phong cách trang điểm đậm, mặc váy và trình diễn như hát live, lypsync, biểu diễn thời trang…bất kể xu hướng tính dục hoặc bản dạng giới bên ngoài sân khấu của họ. Nghệ sĩ Drag có thể là một người đồng tính nam (gay), một người song tính (bisexual), người chuyển giới (transgender) hoặc hợp giới (cisgender), hay người queer v…v…hoặc có thể là bất kỳ ai, miễn là có niềm đam mê với nghệ thuật biểu diễn.

Drag xuất phát từ đâu

Nguồn gốc của từ Drag được cho rằng xuất hiện từ lĩnh vực sân khấu. Vào khoảng thế kỷ cuối thế kỷ 16, đầu thế kỷ 17 ở Châu Âu, khi sân khấu không chỉ là một nơi để giải trí mà còn có mối liên hệ mật thiết với nhà thờ, và phụ nữ thì không được phép đi đến những địa điểm này. Do đó, để hoàn thành các vở kịch, diễn viên nam sẽ ăn mặc như một người nữ (thường là mặc váy) và kéo (drag) những chiếc váy này trên sàn diễn[1]. Ở Châu Á thời kỳ này, các onnagata của Nhật Bản cũng dùng để gọi một diễn viên nam cải trang thành nữ để trình diễn kịch Kabuki. “Trong nhà hát Kabuki, những người đóng giả nữ được "trang điểm cẩn thận, nói giọng giả thanh, và di chuyển để gợi ra bản chất của nữ tính”[2]. Ngày nay, Drag được biết đến nhiều hơn trong lĩnh vực nghệ thuật cải trang, biểu diễn và được đón nhận ở nhiều quốc gia trên thế giới. Chương trình truyền hình thực tế Rupaul’s Drag Race được tổ chức năm 2009 cũng khiến nhiều người biết đến loại hình nghệ thuật này hơn.[3]. Tuy nhiên, những khoảng thời gian trước đó, Drag không phải lúc nào cũng được ghi nhận và chỉ xuất hiện ở các câu lạc bộ hoặc quán bar vào buổi đêm.

Việt Nam và văn hoá Drag

Drag được biết đến nhiều trong cộng đồng LGBTIQ+ ở Việt Nam trong những năn gần đây khi các sự kiện của cộng đồng được tổ chức nhằm thúc đẩy hiểu biết và thực hành về tôn trọng sự đa dạng trong cuộc sống hàng ngày. Một số sự kiện/chương trình liên quan đến biểu diễn và văn hoá Drag là: Le Papillon - Bươm Bướm (Hà Nội), Prinz Illusion đến từ House of Illusion (Sài Gòn), Drag house (Hải Phòng)....Drag phần nào cho thấy những thể hiện giới đi ngược với những khuôn mẫu giới thông thường, thúc đẩy sự thể hiện đa dạng không chỉ trong cộng đồng LGBTIQ+ mà còn trong cộng đồng nói chung.

Cởi & Mở là bản tin hàng tháng do SCDI cùng các đối tác thực hiện với nội dung cung cấp kiến thức, chia sẻ các câu chuyện của cộng đồng LGBTIQ+ tại Việt Nam cho đối tượng là nhà báo và cộng đồng. Bản tin Cởi & Mở mong muốn tháo gỡ những nút thắt hay chính những hiểu lầm của xã hội đối với cộng đồng LGBTIQ+, từ đó mỗi chúng ta sẽ có cơ hội mở lòng hơn để đón nhận và yêu mến vẻ đẹp của sự đa dạng về giới tính, bản dạng giới và khuynh hướng tính dục trong xã hội. Để nhận bản tin Cởi & Mở, vui lòng đăng ký tại đây.