25/11/2021
Hỗ trợ Cộng đồng
Cởi & Mở 8: Bức bối giới
Cởi & Mở 8: Bức bối giới

Bức bối giới là gì?

Bức bối giới[1] hay còn được gọi là phiền muộn giới (gender dysphoria) được hiểu một cách đơn giản là sự khó chịu hoặc đau khổ gây ra bởi sự không nhất quán giữa bản dạng giới và giới tính được xác nhận khi sinh, và/hoặc/hay thể hiện giới mà xã hội áp đặt lên họ[2].

Trong Bảng phân loại quốc tế về bệnh 2018 (International Classification Diseases - ICD 11) của Tổ chức Y tế thế giới[3], “rối loạn định dạng giới” (được phân loại trong ICD 10)  được thay thế bằng “Sự không thống nhất về giới của người trưởng thành và vị thành niên. Phần này đã được chuyển tới chương về: các điều kiện liên quan tới sức khỏe tình dục. Ngoài ra các nhu cầu chăm sóc sức khỏe cho người chuyển giới tách biệt khỏi phạm vi sức khỏe tâm thần. Sự thay đổi này cho phép tiếp cận các dịch vụ sức khỏe chuyển giới mà không bị nhận định là rối loạn tâm thần.

Hiệp hội Tâm thần học Hoa Kỳ (APA) xuất bản cuốn sổ tay “Thống kê và Chẩn đoán các Rối loạn tâm thần (DSM-Diagnostic and Statistical Manual of Mental Disorders) - tài liệu cùng với ICD được hệ thống y tế công cộng trên thế giới sử dụng để mã hóa và quản lý các dịch vụ y tế, trong đó từ năm 2013 đã sử dụng thuật ngữ “phiền muộn giới” hay “bức bối giới” thay vì thuật ngữ cũ “rối loạn bản dạng giới” (Gender identity disorder). Đây là một sự thay đổi tích cực bởi thuật ngữ “rối loạn bản dạng giới” được đánh giá là một sự phân loại tiêu cực dựa trên bản dạng giới và có xu hướng phủ nhận sự đa dạng trong khi thuật ngữ “bức bối giới” cho thấy chứng phiền muộn giới có thể mất đi khi họ đã được hỗ trợ hoặc điều trị và họ không còn khó chịu với sự không nhất quán này nữa (có thể là kết quả của việc sử dụng hormone hay phẫu thuật định giới). DSM 5 đã dành hẳn 1 chương riêng cho Bức bối giới (Gender Dysphoria), và nó hoàn toàn tách biệt không liên quan đến phần Tình dục dị thường (Sexual Dysfunctions) và các chứng rối loạn, lệch lạc về tình dục (Paraphilic Disorders)

Có các dạng bức bối giới nào?[4]

Bức bối vùng trên (Top Dysphoria) là thuật ngữ được dùng để mô tả cảm giác khó chịu của một người với ngực và phần trên cơ thể của mình, ví dụ như người chuyển giới nữ cảm thấy bức bối do ngực họ quá to so với nam giới, hay do vai quá gầy, hoặc người chuyển giới nam cảm thấy bức bối do sự thiếu hụt ngực so với phụ nữ, hoặc phần tay và vai quá nam tính.

Bức bối vùng dưới (Bottom Dysphoria) là thuật ngữ mô tả cảm giác khó chịu của một người đối với bộ phận sinh dục không trùng khớp với bản dạng giới của mình.

Một trong những phân cảnh kinh điển trong bộ phim cô gái Đan Mạch, câu chuyện về Lily Elbe - được coi là người đầu tiên thực hiện phẫu thuật chuyển đổi giới tính. Khi Einar Wegener (trước khi chuyển giới và sử dụng tên Lily Elbe), cô đã đứng trước bức gương trong rạp hát, dần cởi từng lớp vỏ "nam tính" của mình, hành động giấu dương vật của mình giữa đùi để hình ảnh phản chiếu trong gương giống với cơ thể nữ của Einar được coi là một trong những biểu hiện của bức bối vùng dưới khi bộ phận sinh dục nam không tương thích với bản dạng giới của cô.

Bức bối xã hội (Social Dysphoria) là thuật ngữ chỉ cảm giác khó chịu của một người với giới được chỉ định theo quy chuẩn của xã hội hay văn hoá, ví dụ như người chuyển giới nữ không mong muốn được đặt một cái tên mang đầy nam tính, hay một người chuyển giới nam không muốn mặc quần áo của nữ giới. Một số người nhận dạng bản thân là người chuyển giớiphi nhị nguyên giới, hay không hợp giới thường trải nghiệm bức bối về mặt xã hội nhưng gần như ít hoặc không hề trải nghiệm bức bối về mặt thể chất.

Ai là người có bức bối giới?

Người chuyển giới và người phi nhị giới thường có trải nghiệm với bức bối giới. Ngoài ra những người hợp giới cũng có thể từng trải nghiệm Bức bối giới, ví dụ như một người nữ cảm thấy khó chịu với ria mép của mình, hay một người nam giới cảm thấy chán ghét cơ bắp của bản thân.

Có hài lòng giới không? Nếu có, đó là gì?

“Ngược lại với bức bối giới, sự hài lòng giới (gender euphoria) xảy ra khi một cá nhân cảm thấy hài lòng và thỏa mãn, thậm chí hạnh phúc, với sự kết nối và tương thích giữa bản dạng giới và cơ thể, thể hiện giới, kể cả vai trò giới. Hài lòng giới có thể được thể hiện qua những cảm xúc và thái độ tích cực trực tiếp bộc lộ ra ngoài hoặc chỉ đơn giản là cảm nhận bên trong”[5]

Hỗ trợ người có bức bối giới như thế nào?

Bức bối về giới có rất nhiều mức độ khác nhau, từ là việc có mong muốn được đối xử như giới tính họ mong muốn, hay việc muốn loại bỏ hết các đặc điểm sinh học của giới tính được xác định khi sinh, hay có khi chính bản thân cá nhân tự áp đặt luôn cả vai trò của giới đối lập lên mình.

Tình trạng bức bối giới nếu kéo dài sẽ gây ra chứng trầm cảm, hệ quả có thể dẫn đến cảm thấy cô đơn, nhạy cảm, dễ tổn thương, gặp khó khăn với các mối quan hệ trong xã hội, nghề nghiệp hoặc những hành vi trong cuộc sống khác.

Kết quả nghiên cứu về “Hiện trạng trải nghiệm y tế và nhu cầu chuyển đổi giới tính của người chuyển giới Việt Nam” (iSEE, năm 2018) đã chỉ ra rằng mức độ thường xuyên trải nghiệm phiền muộn giới (cách gọi khác của bức bối giới) là rất cao ở nhóm chuyển giới nam (FTM) là 93.7% và nhóm chuyển giới nữ (MTF) là 67.7%. Một số nghiên cứu đã ghi nhận các trường hợp tự tử do không được hỗ trợ để giải quyết tình trạng bức bối giới.

Những cá nhân đã và đang trải qua Bức bối giới có thể sẽ cần những trợ giúp như tư vấn, dùng hormones, phẫu thuật định hình giới, một số thay đổi về mặt xã hội hay pháp lí để phù hợp với giới tính mong muốn.

Vì bức bối giới không phải là bệnh lý hay rối loạn tâm lý, nên đối với nhiều người chuyển giới bức bối giới không thể được điều trị bằng các phương pháp trị liệu truyền thống như xét nghiệm và kê đơn thuốc. Cách tối ưu nhất để giảm thiểu bức bối giới là giải quyết các khó khăn, sự không tương thích giữa cơ thể và bản dạng giới. Các trợ giúp có thể là tư vấn, dùng liệu pháp hormone, phẫu thuật định hình giới, hay một số thay đổi về mặt xã hội hay pháp lý để phù hợp với giới tính mong muốn.

Như vậy, can thiệp y tế không phải là con đường duy nhất để giảm thiểu bức bối giới ở người chuyển giới mà chỉ là các can thiệp quan trọng để hỗ trợ họ.

 

[1] Khái niệm “Bức Bối Giới” (Gender Dysphoria) được giới thiệu lần đầu tiên trong nghiên cứu “Bức bối giới ở người trưởng thành” (Fisk, 1974) sau đó được tiếp tục nhắc tới trong các nghiên cứu của DeCuypere, Knudson, và Bockting thực hiện năm 2010 hay Coleman và đồng sự 2012

[2] Nguồn: Bức bối giới – xuất hiện, tồn tại và lưu dấu trong đời sống người chuyển giới – Nghiên cứu của It’s Tt Time và iSEE năm 2019

[3]  ICD-11 đã được trình bày tại Đại hội đồng Y tế Thế giới và được thông qua vào 25 tháng 5 năm 2019 bởi các Quốc gia thành viên và sẽ có hiệu lực từ ngày 1 tháng 1 năm 2022

[4] Nguồn: wikipedia

[5] Nguồn: Facebook tổ chức FtM Vietnam Organization: Bài đăng ngày 14/9/2021

Cởi & Mở là bản tin hàng tháng do SCDI cùng các đối tác thực hiện với nội dung cung cấp kiến thức, chia sẻ các câu chuyện của cộng đồng LGBTIQ+ tại Việt Nam cho đối tượng là nhà báo và cộng đồng. Bản tin Cởi & Mở mong muốn tháo gỡ những nút thắt hay chính những hiểu lầm của xã hội đối với cộng đồng LGBTIQ+, từ đó mỗi chúng ta sẽ có cơ hội mở lòng hơn để đón nhận và yêu mến vẻ đẹp của sự đa dạng về giới tính, bản dạng giới và khuynh hướng tính dục trong xã hội. Để nhận bản tin Cởi & Mở, vui lòng đăng ký tại đây.