Người hùng thầm lặng nơi huyện biên giới: Đam mê lớn dần theo những bước chân không mỏi
“Em có hiểu ý nghĩa của cái tên Sao Va không? Sao Va là dòng thác hùng vĩ, có dòng chảy mạnh mẽ nhất, làn nước trong trẻo và tinh khiết nhất trong vùng. Thác gắn liền với một câu chuyện từ xa xưa về cô gái cứu anh thanh niên khỏi dòng nước chảy siết. Nhóm cũng đang làm công việc cứu người đấy. Đó là vì sao nhóm được đặt tên là Sao Va”. 

Anh Nhất, một thành viên của nhóm đồng đẳng hỗ trợ người sử dụng ma túy và người có H tại huyện biên giới Quế Phong, tỉnh Nghệ An kể về sự tích cái tên nhóm. 

Tham gia vào triển khai dự án Bảo vệ Tương lai 2.0 từ năm 2022, anh Nhất và nhóm Sao Va đã hỗ trợ rất nhiều bạn trẻ tuổi từ 16-24 thoát khỏi sự lệ thuộc vào chất, tìm lại cuộc sống của mình. Hình ảnh người anh trai vững vàng, ấm áp, luôn cho người đối diện cảm giác chắc chắn và tin tưởng từ đó cũng gắn liền với anh. Anh kể về cuộc đời mình và cơ duyên tới nhóm, về thời trẻ dại và lạc lối, nhưng chính “bước ngoặt chắc chắn phải xảy ra” đó đã giúp anh tìm thấy đam mê và kiên trì theo đuổi.

Bước ngoặt cuộc đời

Huyện Quế Phong, khu vực rừng núi, giáp biên giới với Lào là nơi gia đình anh Nhất sinh sống. Nếu nói rằng gần như nhà nào cũng có người dính vào ma túy chắc không phải quá xa sự thật. Thời điểm cách đây 10-15 năm về trước, ma túy được dùng như một thứ trò chơi, để kết nối với bạn bè, để quên đi cuộc sống buồn tẻ nơi miền núi heo hút.  
Cũng như nhiều chúng bạn, anh Nhất bắt đầu sử dụng ma tuý từ năm 14-15 tuổi. Hai lần đi cai nghiện bắt buộc không thể khiến anh từ bỏ. Cũng vì sử dụng chất mà anh vướng vào vòng lao lý. Cùng thời gian đó, anh bắt đầu có biểu hiện của giai đoạn cửa sổ HIV như sốt, phát ban, nổi hạch,...
Anh kể “Trước khi vào phòng xét nghiệm, anh xác định là mình đã bị rồi. Lúc nhận được kết quả thì anh chỉ cười thôi”.
Sau khi uống ARV*, anh được cán bộ của Trung tâm Y tế huyện Quế Phong tư vấn về methadone – thuốc điều trị nghiện chất dạng thuốc phiện. Mất hai tuần để khởi liều, và khi sức khỏe ổn định, không còn cần dùng đến ma túy nữa, anh đã tự đến công an huyện để xin trả món “nợ án”. Có lẽ chẳng ai như anh, nhờ người chở xe máy đến trại giam.

Trở về với tự do

Rời khỏi trại giam, anh trở thành một người tự do trọn vẹn với ý nghĩa của nó – không chỉ tự do về mặt pháp lý mà anh đã hoàn toàn thoát khỏi sự giam cầm của ma túy. Thấm thía ý nghĩa của sự tự do, anh Nhất đã gặp được đam mê của cuộc đời mình.  
Có những người bạn của anh vẫn đang bị cầm tù bởi ma túy, loay hoay không tìm được lối thoát và cuộc sống ngày càng chìm sâu vào tuyệt vọng. Anh muốn tìm cách nào đó giúp họ.
Khoảng thời gian từ năm 2006 đến năm 2011, bao nhiêu người thân và bạn bè của anh, sương sương khoảng hai đến ba chục người phải nằm xuống. Người mất vì sốc thuốc, người sập HIV.
“Ngày ấy, mọi người chưa biết HIV là như thế nào, người ta chỉ biết mắc phải là chết chắc, đến gần người có H là lây. Chẳng ai dám lại gần người có H cả. Anh có một người bạn, ở cái thời khắc sắp ra đi rồi mà người nhà, bố mẹ không ai dám lại gần chứ đừng nói là chăm sóc gì. Anh không thể quên được cảm xúc mà lúc được cầm tay người bạn ấy và nghe lời trăn trối cuối cùng.” 
Anh Nhất kể trong nghẹn ngào “Nhưng những người như thế đã may, là họ vẫn có thể nói được lời cuối trước lúc ra đi. Còn một số người, dân gọi điện đến nói có người chết sốc ở đó, khi anh đến họ chỉ còn là cái xác không hồn thôi.
“Lúc đó anh chỉ ước, làm sao họ tỉnh lại và nói với mình những câu cuối. Những hình ảnh ấy anh không thể nào quên.”
“Lúc ấy, kiến thức về HIV của anh chỉ hơn mọi người một chút thôi vì anh chịu khó tìm hiểu thông qua sách báo, các nguồn thông tin chính thống. Nếu mọi người đều hiểu, thì sẽ không có những chuyện đau lòng như thế xảy ra nữa. Đã từng chung sống với HIV và là người sử dụng chất 12 năm, anh hiểu được nỗi đau và tuyệt vọng của họ, anh mong muốn có một cách nào đó có thể giúp họ.” 
Với quyết tâm đó, anh Nhất tìm đến Trung tâm Y tế huyện để xin làm việc. Các anh chị ở Trung tâm đều biết và giới thiệu đến nhóm Sao Va. Nhóm khi ấy mới bắt đầu được thành lập. Người anh trưởng nhóm tin tưởng và giao cho anh Nhất làm Phó nhóm. Khi vào nhóm, anh được tham gia những buổi tập huấn nâng cao kiến thức và kỹ năng để tiếp cận và chăm sóc người sử dụng chất và người có H do dự án Bảo vệ Tương lai tổ chức. Anh cùng nhóm thực hiện các hoạt động truyền thông, tư vấn, chuyển gửi, phát vật phẩm giảm hại và hỗ trợ những người sử dụng chất, người có H tại khu vực huyện Quế Phong, tỉnh Nghệ An. 

“Đã từng trải qua thời trẻ dại, nên anh hiểu”

Kể về hành trình tiếp cận và hỗ trợ các bạn trẻ thuộc dự án Bảo vệ Tương lai, anh Nhất chia sẻ rằng việc đó khó khăn và dài hơi hơn nhiều so với việc hỗ trợ cộng đồng người sử dụng chất, người có HIV lớn tuổi hơn. Bản thân là một tiếp cận viên giàu kinh nghiệm, anh Nhất đã từng thử áp dụng cách khi tiếp cận những khách hàng lớn tuổi với những bạn trẻ dưới 25, nhưng việc thực hiện không đạt được kết quả mong muốn. Ở tầm tuổi từ 16-24, các em không muốn bộc lộ tình trạng của mình, chỉ muốn che giấu vì lo sợ nhiều thứ, một phần cũng vì chưa có hiểu biết đầy đủ. Các em chưa hiểu hết tác động tiêu cực của việc sử dụng ma túy đến sức khỏe, cũng chưa nắm được tác dụng của những biện pháp dự phòng, giảm hại. 
Em có hiểu cảm giác đó không? Một người từ 16-24 tuổi mà bắt buộc phải bỏ học vì dính dáng tới ma túy, tới HIV, dở dang cả một cuộc đời.
“Có nhiều bạn chưa hiểu được, dù lần đầu, hay đã rất nhiều lần tới nhóm, hay anh qua tận nhà để giải thích. Nói hơi tếu vui tí, người ta bảo “đẹp trai không bằng chai mặt”, mình tới nhiều, mỗi lần tới đều cầm theo sự nhiệt tình, thông cảm với khách hàng. Một ngày hai ngày không được thì nhiều tuần, nhiều tháng, khách hàng cũng hiểu công việc của mình, sẵn sàng nói chuyện, và chấp thuận đi chuyển gửi.” 
Anh Nhất chia sẻ rằng “Anh đã từng không hiểu vì sao dự án không thể hỗ trợ cho tất cả mọi người mà chỉ tập trung vào các bạn trẻ từ 16-24 tuổi, nhưng rồi anh nhận ra ý nghĩa của cái tên “Bảo vệ tương lai”, và đặc thù của độ tuổi mà dự án hướng tới. Theo anh, dự án rất cần cho lứa tuổi đó để can thiệp về mặt thể chất, cảm xúc, tinh thần, về tình trạng sử dụng chất. Ở tầm tuổi đó các bạn còn non nớt, tò mò đủ thứ. Các bạn trẻ dễ tổn thương về tâm lý, đặc biệt khi sử dụng chất, não bộ càng bị ảnh hưởng. Điều này hệ lụy đến cả cuộc sống sau này của các em, khi không nhận được sự lắng nghe, định hướng và giúp đỡ.” 
”Nếu ngày xưa ở độ tuổi ấy mà anh nhận được sự hỗ trợ như vậy, thì anh đã học hết cấp Ba, cuộc đời anh đã khác, không dính dáng đến ma túy, đến HIV đến mười mấy năm. Không có đâu!”.
Nhưng sau câu khẳng định ấy, anh Nhất cũng chắc nịch rằng “bước ngoặt ấy đã hình thành nên con người anh ngày hôm nay”. 

Những thành công nho nhỏ, những công sức to to

Nhóm Sao Va được biết đến trong hệ thống phòng chống AIDS của tỉnh Nghệ An vì đội ngũ năng nổ, nhiệt tình, có trách nhiệm. Số bệnh nhân được đưa vào điều trị methadone tăng gần gấp đôi so với thời gian nhóm chưa hoạt động. Nhóm phát hiện và chuyển gửi điều trị ARV gần một nửa số bệnh nhân nhiễm mới của huyện. Trong nhóm, anh Nhất luôn được mọi người tin tưởng và tín nhiệm vì sự nhiệt tình, xông xáo và làm việc hiệu quả.  
Một gia đình ở huyện có ba người con, cả ba đều nghiện. Người anh hai ra tù vào khám nhiều lần vì dính dáng tới ma túy. Nhà nghèo, cha mẹ già cả, gia đình tưởng chừng tan nát và những đứa con lỡ dở đoạn đường tương lai ở phía trước. Sau khi được anh Nhất tư vấn và hỗ trợ, giới thiệu điều trị methadone có thể khiến cho con người ta từ bỏ được ma túy, cả nhà đã dẹp bỏ hoài nghi, động viên con đi uống thuốc. Anh Nhất theo sát hỗ trợ gia đình, giải đáp những thắc mắc, tới đưa đón người con đi uống thuốc. Dần dần, người con sức khỏe ổn định và từ bỏ việc sử dụng chất. Bây giờ, cứ khi nào anh Nhất hay các anh nhóm Sao Va ghé thăm, gia đình coi các anh như người trong nhà. 
Đó chỉ là một trong rất nhiều trường hợp được anh Nhất và nhóm hỗ trợ và chuyển gửi điều trị trong dự án Bảo vệ tương lai.  
“Có một thằng bé đã từng nghiện, nhưng bây giờ nó bỏ được rồi. Dù hồi ấy nó không quay trở lại học được nữa, nhưng bây giờ đi làm, chuẩn bị cưới vợ rồi.”
“Những câu cảm ơn ấy anh rất trân quý. Mỗi khi chuyển gửi được một người, cả HIV hay sử dụng chất đi chữa trị, cảm xúc nó khó tả lắm. Thực sự luôn. Anh không biết có thể gọi là thành tựu không nhưng mà nó khiến anh cảm thấy hạnh phúc vì bao công sức bỏ ra cũng được đền đáp.”  
“Có những giọt nước mắt đã rơi nhưng đó không còn là nước mắt đau khổ vì mất đi anh em bạn bè, mà là giọt nước mắt hạnh phúc. Cái mà anh tâm đắc nhất là dự án đã hỗ trợ đúng người cần giúp và người đó đã thay đổi. Vui và mừng lắm.” 
Những gì anh Nhất và nhóm Sao Va đang làm không chỉ đóng góp vào quá trình phòng chống HIV/AIDS ở huyện Quế Phong nói chung, mà còn mang nụ cười trở lại trên gương mặt những người mà nhóm hỗ trợ vào điều trị, và cả những người thân của họ nữa. 

Đam mê lớn dần theo những bước chân không mỏi

Công việc của một tiếp cận viên cộng đồng nhiều thử thách, đòi hỏi sự kiên trì, bền bỉ. Nhưng sự đam mê và nhiệt huyết là điều dễ thấy ở anh. Sự quyết liệt không chỉ trong lời nói mà cả hành động. 
“Có những lúc mệt mỏi. Những ngày phải đi cả 50 cây số, rồi những ngày cả đi cả về 100 cây số, đi vùng sâu vùng xa, mệt chứ. Ngồi bên đường ăn miếng bánh mì khô và tự hỏi bản thân mình có thấy mệt ko nhỉ? Có  mệt! Có thấy chán không? Chán thật! Có nghỉ không? Không thể nghỉ được!” 
“Mình bỏ cuộc sẽ kéo theo bao nhiêu niềm tin của khách hàng vào mình tan biến theo. Anh không muốn từ bỏ như vậy.”
Anh chỉ cần có niềm tin của khách hàng với anh là đã đủ để anh tiếp bước rồi.
Anh chia sẻ “Tới ngày dự án kết thúc và giả dụ không còn nhóm Sao Va nữa, anh vẫn sẵn sàng mang những kiến thức mình có đi tập huấn, áp dụng để hỗ trợ cho những người sống chung với H, người sử dụng chất. Anh vui thực sự vì được sống với niềm yêu thích của anh. Cuộc sống tương lai dù như thế nào đi chăng nữa, thì công việc vì cộng đồng sẽ luôn song hành với anh.”
Tiếp xúc với anh Nhất có thể cảm thấy rõ ngọn lửa nhiệt tình tỏa ra từ trái tim nồng ấm. Và hơn cả là sự tự hào, cảm phục chàng trai người dân tộc Thái cương nghị với phong cách phóng khoáng và gần gũi này. Giống như nguồn gốc tên của nhóm, anh Nhất và các thành viên nhóm Sao Va như những chiếc phao cứu sinh. Cho dù nhỏ bé, nhưng hàng ngày, thầm lặng giúp những người sắp chìm sâu có thêm một cơ hội, “bảo vệ tương lai” của những bạn thanh thiếu niên còn cả một chặng đường dài phía trước.
*Dự án Bảo vệ Tương lai: là dự án do Trung tâm Hỗ trợ Sáng kiến Phát triển Cộng đồng – SCDI thực hiện nhằm kiểm soát lây nhiễm HIV trong nhóm thanh thiếu niên sử dụng ma túy ở Việt Nam. Tính đến thời điểm này, đây là dự án đầu tiên và duy nhất tại Việt Nam hướng tới củng cố chất lượng can thiệp HIV trong nhóm người sử dụng ma túy từ 16 tới 24 tuổi thông qua các chiến lược sáng tạo.
*Sao Va: Nhóm cộng đồng hỗ trợ những người nghiện ma túy, người nhiễm HIV tại huyện Quế Phong, tỉnh Nghệ An. Nhóm tham gia cùng SCDI từ năm 2022 trong dự án Bảo vệ Tương lai và các dự án khác triển khai hoạt động giảm hại cho cộng đồng người sử dụng ma túy, người nhiễm HIV tại Quế Phong.
* ARV là thuốc kháng virus HIV (Antiretroviral drug), ức chế sự nhân lên của virus, duy trì nồng độ virus trong máu ở mức thấp nhất có thể. Khi một người bị nhiễm HIV, HIV làm suy yếu hệ miễn dịch, do vậy nếu được điều trị bằng thuốc ARV, nồng độ virus trong máu thấp nên hệ miễn dịch vì thế mà không bị ảnh hưởng. Hầu hết người nhiễm HIV đang điều trị ARV hiện nay khỏe mạnh, lao động, học tập bình thường, có gia đình hạnh phúc. Các nhà khoa học đã chứng minh rằng: một người nhiễm HIV, được điều trị bằng thuốc ARV và khi đạt tải lượng virus ở ngưỡng không phát hiện được trong máu thì nguy cơ lây truyền HIV sang người khác qua đường tình dục rất thấp, từ không đáng kể đến không có nguy cơ. Không đáng kể ở đây được hiểu là: quá nhỏ bé hoặc không quan trọng, không đáng để xem xét hoặc không có ý nghĩa.

Bài viết: Ngọc Anh
Hình ảnh: Hùng Nguyễn
Bản quyền thuộc về Trung tâm Hỗ trợ Sáng kiến Phát triển Cộng đồng - SCDI Việt Nam