Ánh sáng sau vết nứt
Giữa nắng hè tháng Sáu, chúng tôi có dịp ghé thăm Quế Phong, một huyện miền núi giáp ranh biên giới với Lào thuộc tỉnh Nghệ An và cách thành phố Vinh khoảng 200km về phía Tây. Người lần đầu tiên đến với Quế Phong sẽ chẳng thể nghĩ rằng cái huyện nhỏ yên bình lọt thỏm giữa rừng núi trùng điệp lại được nhiều người biết tới là “điểm nóng” của ma túy, của HIV.

Đi qua con đường bê tông nhỏ quanh co giữa cánh đồng, ánh nắng chói chang giữa trưa hè oi ả, hiếm lắm mới có cơn gió nhẹ thổi qua làm rung rinh những tán lá, băng qua vài cây cầu nhỏ mà các anh trong nhóm Sao Va* nói rằng dẫn đến những “điểm nóng”, chúng tôi đã tới được một ngôi nhà nhỏ nằm cheo leo bên sườn đồi.

Người phụ nữ ngoài 60 có dáng người nhỏ bé, làn da rám nắng và cặp mắt sáng, nhanh nhẹn sai H. – cậu con trai út lau bàn ghế, chuẩn bị trà nước tiếp đón chúng tôi. Bà ngồi ở bậc tam cấp hướng ra cửa chính, nhìn thẳng ra đồng lúa vừa qua mùa gặt, tiếp nối những dãy núi chập chùng được phủ lên màu vàng của nắng. Với giọng Kinh không tròn vành rõ tiếng, bà kể về cuộc đời bà, về những gì mà bà và gia đình đã trải qua khi ba đứa con lần lượt vướng vào ma túy, rồi lần lượt, chật vật làm lại cuộc đời.

“Ở cái huyện biên giới này, hầu như nhà nào cũng có người vướng phải ma túy, HIV. Con trai bà cũng không tránh khỏi”

Cách đây gần 20 năm, “con ma trắng” tràn lan vào bản làng kéo theo nỗi ám ảnh. Hầu như dưới mái nhà nào cũng có người vướng vào ma túy, rồi HIV. Ba đứa con trai của bà, đứa đầu năm nay gần bốn mươi, đứa thứ hai ngoài ba mươi, đứa út năm nay hơn 20 tuổi cũng không ngoại lệ.
Người con cả vì sử dụng chất nên vợ chồng bỏ nhau. Người con thứ hai ra tù vào khám mấy lần vì liên quan tới ma túy. Bà ngậm ngùi kể về cậu con út, đứa xa nhà khi học hết cấp ba để đi làm ở công ty, mang theo hy vọng của cha mẹ nhưng rồi lạc lối và đi vào con đường sử dụng chất. Bà kể, ở nhà người con út rụt rè, ít nói, nhưng ma túy đã biến con bà thành một người khác. “Con ma ấy bắt con bà đi rồi”. Cứ khi đến “cơn” là mắng bố chửi mẹ, đòi tiền đi chơi thuốc. Gia đình khó khăn. Cả nhà trông mong vào đồng lương ít ỏi từ công việc phụ hồ của cha và vài rẫy ruộng mẹ làm, nhưng “cứ được bị lúa nào là nó mang đi bán sạch”. Những ngày tháng loay hoay dài đằng đẵng, tuyệt vọng nhất là ngày bà biết con bà nhiễm HIV.
 “Hôm ấy đang làm lúa ở đồng, hay tin nó (đứa con đầu) nhiễm bệnh, bà ngất xỉu giữa đồng luôn. Người ta phải dìu về nhà”
Hồi đó, kể cả bà hay làng xóm xung quanh đều chỉ biết căn bệnh đó nguy hiểm lắm, mắc là sẽ chết đấy. Lúc ấy, HIV dường như là lời báo tử đối với bất cứ ai mắc phải. Rồi cậu con trai thứ hai cũng nhiễm bệnh. Người con thứ ba trở về nhà sau bốn năm đi làm công, người nó mọc những mụn và mụn. Bà đưa con út đi xét nghiệm, cũng nhận được kết quả tương tự như các anh. Người mẹ không giấu được sự kích động khi kể về khoảng thời gian tưởng chừng như là tận thế.
“Chi mô rứa cả cái làng cái huyện cái xã này… Không! Cả cái nước Việt Nam này không ai khổ như bà.”
Ba thằng con trai thì cả ba đều nghiện.
Thử hỏi sống làm gì nữa?
Tình cảm gia đình rạn nứt từ những lời khuyên răn, van xin trong vô vọng của cha mẹ, từ những bữa ăn cơm không lành canh không ngọt, từ không khí căng thẳng mỗi khi mọi người tụ họp tới những đêm dài thức trắng của cha và những mệt nhọc, bất lực dày vò người mẹ già. Bà cũng trở nên khép kín, e dè hơn với bà con làng xóm.
Bị căn bệnh ấy dằn vặt là vậy, nhưng con trai của bà không ít lần quyết tâm sẽ từ bỏ. Tự nhốt mình trong phòng, bỏ ăn, bỏ uống,... thế nhưng những nỗ lực đó chưa lần nào thành công. Thương con, bà mong tìm được một cách nào đấy, hay một ai đó có thể giúp con trai làm lại cuộc đời, để gia đình bà êm ấm như xưa.
Một ngày, anh Lô Văn Nhất, thành viên của Sao Va, một nhóm đồng đẳng giúp đỡ những người sử dụng ma túy, người nhiễm HIV tại huyện Quế Phong ghé thăm nhà. Anh quen biết với người con trai út từ lúc cấp phát những vật phẩm giảm hại và kết nối để bạn điều trị ARV. Anh Nhất cũng thường xuyên tới thăm hỏi, chia sẻ thông tin và động viên gia đình. Anh giới thiệu về methadone, giống như ARV giúp người ta chống chọi lại với HIV, thì loại thuốc này sẽ giúp thoát khỏi sự lệ thuộc vào thuốc phiện và không tốn quá nhiều chi phí. Bà hoài nghi về điều có thể khiến mong muốn bao lâu này trở thành hiện thực. Nhưng nhờ anh Nhất kiên nhẫn giải thích, cộng thêm cuộc đời chẳng còn gì để mất, bà quyết tâm động viên con đi uống thuốc.

“Kể từ khi anh em nó đi uống thuốc, bà tăng 8kg. Hồi trước bà có 40kg, giờ 48kg rồi”

Con trai cả là người đầu tiên đi uống methadone trong ba anh em. Sau một thời gian điều trị, sức khỏe của anh dần ổn định và bỏ hoàn toàn việc sử dụng heroine. Anh xin đi làm phụ hồ dưới thị trấn, lâu lâu còn tích góp gửi tiền về cho cha mẹ.
Nghe lời anh cả và mẹ, với sự nhiệt tình của anh Nhất, người con út đã đồng ý đi uống methadone. Những ngày đầu tiên, anh Nhất tới tận nhà đưa đón cậu ra trung tâm y tế uống thuốc. Anh cũng động viên cậu rằng thời gian đầu uống methadone có thể hơi mệt và buồn ngủ, nhưng dần dần sẽ quen. Một tuần, hai tuần rồi một tháng, người con trai út bỏ được việc sử dụng. Sau khi sức khỏe ổn định, cậu cũng theo anh đi làm. Thời gian rảnh thì làm rẫy, hoặc phụ giúp cha mẹ nấu cơm, dọn dẹp nhà cửa.
“Thằng cả tích góp tiền mua cho thằng út cái điện thoại, bảo là quà tặng đấy. Anh em nó thân nhau lắm, nó nghe lời anh nó còn hơn nghe bố mẹ”
Kể đến đây, có niềm vui ánh lên nơi đáy mắt người mẹ. “Thằng út quỳ rạp xuống trước mặt cha mẹ mà xin lỗi, “con làm khổ bố mẹ quá”. Nó còn quyết tâm kiếm một công việc ổn định để có thể phụ giúp cha mẹ”. Bà biết con trai bà đã trở về đây rồi.
Từ khi các con từ bỏ được việc sử dụng ma túy, không khí trong gia đình thay đổi hẳn. Bữa cơm lâu lắm mới có tiếng cười. “Bố bọn chúng bình thường lầm lì ít nói, nhưng giờ bố đùa con mấy câu, nói chuyện qua lại với nhau cả buổi”.
Bà khoe với chúng tôi rằng bà tăng được 8 cân rồi. Bà cũng không ngại khi đối mặt với bà con hàng xóm nữa. Đứa con út tinh thần thoải mái nên cũng cởi mở giao tiếp với mọi người hơn. Bà kể “Thằng út quý trẻ con mà bọn trẻ con trong xóm cũng quý nó lắm. Đi phụ hồ cùng anh hoặc làm lúa phụ mẹ có tiền, nó mua đồ chơi cho các em hết. Bọn nhỏ quấn quýt với nó, toàn theo lúc nó đi uống thuốc mỗi sáng đấy”

“Khi thằng hai về, chắc chắn bà sẽ “bắt” nó đi uống thuốc”

Bà nói chắc nịch với chúng tôi như thế. Người con trai thứ hai của bà vì sử dụng chất nên ra tù vào khám mấy lần. Anh cũng quyết tâm tự từ bỏ nhưng chưa lần nào thành công. Mỗi lần trở về nhà sau khi ra trại, anh cũng đi lại con đường cũ.
Nhưng bà không từ bỏ. Kể từ khi người con trai cả và út đi uống Methadone, cuộc sống của gia đình bà đã thay đổi hoàn toàn. Giờ đây, gia đình bà còn có sự hỗ trợ của các anh trong nhóm Sao Va. Các anh thường xuyên ghé nhà để thăm hỏi, động viên và hỗ trợ gia đình. Thay thế với những nghi ngại ngày trước, bà đã hoàn toàn tin tưởng vào điều đã thay đổi cuộc đời của con trai và cả gia đình bà.
Chi mô rứa cảm ơn các anh đã giúp con bà được uống thuốc, bà mừng lắm.
Chúng tôi đùa rằng “Sau này anh hai về uống thuốc, bà lại tăng 8 cân nữa bà nhé”. Bà cười, đuôi mắt hằn lên dấu vết của thời gian. Bà nắm tay chúng tôi – những vị khách lần đầu tới thăm nhà và trao cho các anh trong nhóm Sao Va những cái ôm thật ấm.
Suốt cả buổi, H., cậu con trai út chỉ rụt rè và lặng yên ngồi cạnh mẹ.
Có lẽ cậu đã xuôi cùng dòng câu chuyện nhớ về những ngày tháng đã qua. Cậu đã đi một chặng đường dài, trên hành trình ấy có những lạc đường, vấp ngã, nhưng ở đó vẫn luôn có người cùng cậu đồng hành.
Tổn thương tạo ra những vết nứt, nhưng đó chính là nơi ánh sáng chiếu qua. Và những rạn nứt trong quá khứ rồi sẽ được tình yêu thương xoa dịu và lấp đầy. Nhìn ra cánh đồng vừa qua mùa gặt được trải đều màu vàng của nắng, chúng tôi đều tin và mong cuộc sống của gia đình rồi sẽ ổn sau bao thăng trầm như thế.
*Dự án Bảo vệ Tương lai: là dự án do Trung tâm Hỗ trợ Sáng kiến Phát triển Cộng đồng – SCDI thực hiện nhằm kiểm soát lây nhiễm HIV trong nhóm thanh thiếu niên sử dụng ma túy ở Việt Nam. Tính đến thời điểm này, đây là dự án đầu tiên và duy nhất tại Việt Nam hướng tới củng cố chất lượng can thiệp HIV trong nhóm người sử dụng ma túy từ 16 tới 24 tuổi thông qua các chiến lược sáng tạo.
*Sao Va: Nhóm cộng đồng hỗ trợ những người nghiện ma túy, người nhiễm HIV tại huyện Quế Phong, tỉnh Nghệ An. Nhóm tham gia cùng SCDI từ năm 2022 trong dự án Bảo vệ Tương lai và các dự án khác triển khai hoạt động giảm hại cho cộng đồng người sử dụng ma túy, người nhiễm HIV tại Quế Phong. Gia đình của H. trong câu chuyện kể trên là một trong những người mà dự án can thiệp và hỗ trợ.

Bài viết: Ngọc Anh
Hình ảnh: Thanh Hùng 
Bản quyền thuộc về Trung tâm Hỗ trợ Sáng kiến Phát triển Cộng đồng - SCDI Việt Nam